Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phạm Hương Giang cho biết Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế có 08 Phòng giao dịch (PGD) cấp huyện và Hội sở tỉnh, với 141 điểm giao dịch/141 xã, phường, thị trấn; thực hiện cho vay 22 chương trình tín dụng. Đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ đạt 4.740,8 tỷ đồng, với 96.782 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn thực hiện đến 30/9/2024 tại Chi nhánh đạt 4.751,02 tỷ đồng, tăng 367,59 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 8,4% (nguồn vốn trung ương tăng 304,82 tỷ đồng, tăng 7,3%, nguồn vốn địa phương tăng 62,77 tỷ đồng, tăng 29,9%). Tổng dư nợ đến 30/9/2024 là 4.740,77 tỷ đồng, tăng 365,36 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ toàn chi nhánh đạt 8,4%, hoàn thành 93,16% kế hoạch tăng trưởng được TW giao.
Trong 09 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã đáp ứng kịp thời cho trên 13.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ NHCSXH để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống; trên 1.000 lượt hộ vay vốn Chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn để đầu tư, mở rộng hoạt động SXKD nhằm tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống hộ gia đình. Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 5.000 lao động, tạo điều kiện để người lao động phát triển sản xuất, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao tại các địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho trên 300 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Chương trình tín dụng học sinh sinh viên đã đáp ứng cho gần 800 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; tạo điều kiện cho 57 khách hàng có vốn để cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới 57 căn nhà với tổng số tiền giải ngân gần 24 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay Nhà ở xã hội. Nguồn vốn đầu tư của các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần cùng toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,56% cuối năm 2022 xuống còn 2,27% cuối năm 2023 (giảm 1,29%) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện giảm nghèo một cách bền vững, tạo việc làm cho người lao động, mở rộng an sinh xã hội.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phạm Hương Giang báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện công tác chính sách tín dụng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các thành viên Đoàn kiểm tra cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn trong việc sử dụng, giải ngân nguồn vốn vay và việc huy động nguồn lực địa phương để ủy thác cho vay đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam Ngô Văn Cương khẳng định hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp tục khẳng định vai trò "trụ cột" của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn. Đồng thời, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào, dân tộc thiểu số, từ đó tạo nguồn lực trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam Ngô Văn Cương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Để thực hiện các chương trình chính sách tín dụng trong thời gian tới đạt hiệu quả, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam Ngô Văn Cương đề nghị Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp của tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; cân đối ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Qua đó, thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp và duy trì các kỳ họp Ban đại diện đúng thời gian quy định để kịp thời triển khai các nghị quyết của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp và văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH thường xuyên theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng; tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, rà soát chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, chủ động phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng khi được Trung ương phân bổ vốn; cho vay đảm bảo cho vay công khai, minh bạch, đúng đối tượng và hiệu quả.
(Nguồn: Cổng thông tin Thừa Thiên Huế)