Giúp trẻ phòng tránh mối nguy tiềm ẩn mang tên Cyberbullying
Cyberbullying, tạm dịch là bắt nạt qua thế giới ảo, là hành vi bắt nạt được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy tính hay laptop. Kẻ tấn công có thể thực hiện việc bắt nạt này nhờ nhắn tin qua SMS hay các ứng dụng nhắn tin, đăng tải và chia sẻ những thông tin tiêu cực nhằm nhắm vào nạn nhân.
Từ định nghĩa có thể thấy Cyberbullying khác biệt với bắt nạt thông thường vì nó có thể được thực hiện bất kể ở đâu, bất kể khoảng thời gian nào. Điều này có thể đẩy nạn nhân phải đối mặt thường xuyên với sự đe dọa từ các đối tượng bắt nạt khi mà không chỉ là bị bắt nạt, tác động ngoài đời thực mà còn phải đối diện với điều đó ngay trên không gian mạng.
Có thể ví cyberbullying là một mối nguy “thầm lặng” bởi vì đây là một thuật ngữ vô cùng mới mẻ đối với nhiều người, thậm chí, nhiều người đang rơi vào tình cảnh này mà không nhận thức được. Vì bản thân bạn chẳng thể nào biết có bao nhiêu người truy cập vào trang cá nhân của bạn, khai thác những thông tin về bản thân bạn mà bạn chẳng thể nào ngờ. Tồi tệ hơn khi độ tuổi sử dụng internet tại việt nam ngày càng trẻ hóa và trẻ em dần trở thành những nạn nhân dễ dàng bị tấn công.Ở bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những cách để quý phụ huynh, người lớn có thể làm để tránh con trẻ của mình trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công này. Dưới đây là một số lời khuyên được đưa ra để ngăn chặn tình trạng này mà các quý phụ huynh có thể tham khảo:
💥 Phụ huynh nên:
- Lắp đặt máy tính ở khu vực chung trong nhà để có thể giám sát việc sử dụng mạng của con. Không nên đặt máy tính trong phòng ngủ của trẻ.
- Tìm hiểu về các trang mạng xã hội, dần làm quen với Facebook, Myspace hay Twitter. Bạn nên đề nghị con cho xem trang cá nhân của chúng.
- Thường xuyên trò chuyện với con về các vấn đề liên quan đến trực tuyến. Hãy cho con biết có thể tìm bạn để được giúp đỡ nếu thấy điều gì đó khác lạ, gây khó chịu hoặc nguy hiểm.
- Đặt giới hạn thời gian sử dụng Internet, giải thích lý do làm vậy và thảo luận các quy tắc để cả nhà dùng Internet an toàn. Bạn hãy để trẻ đóng góp ý kiến trong việc thiết lập quy tắc đó.
- Khuyên con không phản ứng với bất kỳ mối đe dọa hay bình luận mang tính đe dọa, bắt nạt nào và cũng không nên xóa bất kỳ tin nhắn nào. Thay vào đó, hãy in chúng ra, bao gồm cả địa chỉ email, tên người gửi... Bạn sẽ cần các tin nhắn để xác minh và chứng minh đã bị đe dọa trực tuyến.
- Không nên phản ứng theo kiểu đổ lỗi cho con. Nếu con đang bị bắt nạt, hãy đứng về phía con và thấu hiểu chúng. Tìm hiểu xem con đã bị bắt nạt bao lâu và đảm bảo rằng bạn sẽ cùng con tìm ra giải pháp.
- Không nên phản ứng theo kiểu bảo con bỏ qua hoặc chỉ đối phó với những kẻ bắt nạt. Nỗi đau về mặt cảm xúc khi bị bắt nạt có thể tác động lâu dài.
- Đừng đe dọa sẽ lấy đi máy tính của con nếu chúng bị bắt nạt trên mạng. Điều này chỉ khiến trẻ trở nên bí mật hơn.
- Nói với nhân viên tư vấn của trường để họ theo dõi xem liệu con có bị bắt nạt trong khi học ở trường hay không.
- Nếu có các mối đe dọa bạo lực thể xác hoặc bắt nạt trực tiếp, hãy thông báo đến cơ quan chức năng và nhờ sự can thiệp của pháp luật.
💥 Học sinh nên:
- Không trả lời bất kỳ tin nhắn hoặc văn bản nào được gửi bởi những kẻ bắt nạt, đe dọa.
- Không biến mình thành đồng phạm bằng cách chuyển tiếp tin nhắn mang tính chất đe dọa, bắt nạt cho những đứa trẻ khác.
- Lưu và in tất cả tin nhắn để làm bằng chứng.
- Nếu đang bị bắt nạt, hãy nói với người lớn ngay lập tức để được giúp đỡ.
💥 Nhà trường nên:
- Áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với tất cả loại bắt nạt. Hãy nói rõ rằng mọi hành vi đe dọa, quấy rối đều được xử lý nhanh chóng và nghiêm túc.
- Các khu học nên có chính sách ngăn chặn bạo lực, bắt nạt tại chỗ. Ban giám hiệu, phụ huynh và học sinh nên được chia sẻ về các chính sách này vào mỗi đầu năm học.
- Tích hợp các lớp học về cách sử dụng Internet an toàn vào chương trình giảng dạy.
- Cho học sinh, phụ huynh và giáo viên thảo luận về phòng chống bắt nạt. Có hội đồng học sinh để giải quyết vấn đề này cho các bạn trong toàn trường.
Giúp trẻ nhỏ phòng tránh cyberbullying không chỉ là trách nhiệm của riêng phụ huynh, nhà trường mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc ngăn chặn, can thiệp kịp thời vào các hành vi này sẽ giúp trẻ nhỏ ( nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ) tránh được các tác động lâu dài từ hành vi này gây ra. Vì vậy bên cạnh việc trang bị những kiến thức về phòng tránh cyberbullying, chúng ta cũng cần hành động để xây dựng một cộng đồng lành mạnh và an toàn cho chính chúng ta cũng như toàn xã hội.