Thời gian qua, Huyện đoàn Sa Thầy đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), qua đó tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn có cơ hội vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên trên địa bàn huyện Sa Thầy chiếm số đông trong lực lượng lao động của địa phương, đây chính là “chìa khóa vàng” trong việc đáp ứng nguồn lao động trẻ, năng động phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, huyện Sa Thầy hiện có hơn 4.700 người trong độ tuổi thanh niên (chiếm 40% dân số và 60% lực lượng lao động của huyện) với tổng số 25 tổ chức cơ sở đoàn (gần 2.600 đoàn viên) và 13 tổ chức cơ sở Hội Liên hiệp Thanh niên (hơn 3.300 hội viên thanh niên).
Anh Đoàn Thế An- Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Sa Thầy cho biết: “Tiếp nối truyền thống cha anh, thanh niên Sa Thầy luôn ra sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên. Nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên của địa phương là hộ nghèo, cận nghèo gặp nhiều khó khăn về phương tiện, kinh nghiệm, đất canh tác trong sản xuất, lập nghiệp, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Do đó, Huyện đoàn Sa Thầy phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện “gỡ khó” cho thanh niên, giúp thanh niên trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập”.
Vận động thanh niên phát triển nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả kinh tế.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất, Huyện đoàn xác định việc nâng cao chất lượng công tác ủy thác trong cho vay là cực kỳ quan trọng. Theo đó, bám sát chương trình ký kết liên tịch với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện về thực hiện các chính sách cho vay, Huyện đoàn bố trí 1 cán bộ phụ trách việc theo dõi, tổ chức thực hiện các nội dung đã ký kết; tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung nhận ủy thác từ nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các hoạt động của Đoàn để tạo “đòn bẩy” vừa giúp đoàn viên thanh niên vươn lên trong phát triển kinh tế, vừa góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Đoàn tại cơ sở.
Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH huyện của Huyện đoàn không ngừng tăng lên qua các năm, đạt trên 90,2 tỷ đồng với trên 1.600 đoàn viên thanh niên vay vốn (tăng gấp 14 lần so với năm 2003). Thông qua nguồn vốn vay đã giúp cho hàng chục ngàn lượt đoàn viên thanh niên là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trang trải chi phí cuộc sống, học tập... Từ đó, góp phần vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn Sa Thầy thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao công tác quản lý, kiểm tra giám sát cho cán bộ Đoàn cơ sở và nâng cao năng lực, trách nhiệm của Ban quản lý các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Đoàn. Hàng năm tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát các hoạt động nhận ủy thác, qua đó đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở Đoàn làm tốt công tác ủy thác và nâng cao chất lượng tín dụng.
Nhờ thực hiện tốt công tác giám sát và xây dựng mạng lưới làm công tác ủy thác vững mạnh trong các cấp Đoàn, đến nay có 10/11 cơ sở đoàn các xã, thị trấn trực thuộc Huyện đoàn Sa Thầy nhận nguồn vốn ủy thác của NHCSXH huyện và có trên 50 Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả duy trì gần 2.000 hộ vay.
Huyện đoàn Sa Thầy còn lồng ghép các nội dung về tín dụng chính sách trong nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của Đoàn. Các chương trình tín dụng chính sách mới đều được nhanh chóng lan truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của Đoàn như: chương trình phát thanh thiếu nhi, cổng thông tin điện tử của Huyện đoàn, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... Qua đó, giúp thanh niên được tiếp cận nhanh với các nguồn vốn cho vay và vận động thanh niên chấp hành đúng các quy định về trả nợ, lãi hàng tháng. Trong nhiều năm, việc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, thu lãi tồn đọng đạt kết quả rất tốt, nợ quá hạn giảm sâu từ 982 triệu đồng (năm 2003) xuống còn khoảng 30 triệu đồng (cuối năm 2021)
Anh Đoàn Thế An cho biết: “Để nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho thanh niên trên địa bàn, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nguồn vốn ủy thác; xây dựng tổ chức Đoàn cơ sở, Tổ Tiết kiệm và vay vốn trực thuộc vững mạnh, có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ủy thác được an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những hạn chế và có biện pháp khắc phục. Qua đó, đồng hành với thanh niên của địa phương trên con đường lập thân, lập nghiệp, vượt khó vươn lên để trở thành công dân có ích cho xã hội”.