1. Cho trẻ khởi động tay chân trước khi dạy bơi ếch:
Trước khi bơi, cơ thể cứng đơ, các khớp khi ở trạng thái bình thường luôn tiết dịch nhờn, do đó khi bơi hoạt động của khớp nhiều hơn bình thường nên có thể dịch nhờn không đủ để bôi trơn khớp. Vì vậy, việc khởi động tay chân sẽ kích thích làm tăng tiết dịch nhờn trong khớp cho cả quá trình bơi giúp trẻ tăng sự uyển chuyển, dẻo dai hơn khi bơi, tránh tình trạng bị chuột rút hay bong gân.
Bạn cần thực hiện các động tác sau để khởi động tay chân cho trẻ làm theo:
- Khởi động vai, cánh tay: Thực hiện các động tác đưa tay lên xuống, xoay 2 cánh tay so le, ép cánh tay ngang, ép cánh tay dọc trên đầu, gập tay sau lưng và xoay vai sang trái/ phải để tạo sự dẻo dai, linh hoạt.
- Xoay cổ tay, xoay cổ chân.
- Xoay khuỷu tay, đầu gối.
- Xoay hông, eo.
- Xoay cổ.
- Ép đùi trước và cổ chân.
- Ép cơ vùng chân, gập lưng chạm tay xuống chất để giúp giãn cơ sau chân.
Bên cạnh đó, các động tác khởi động này sẽ giúp cho trẻ có thể bơi trong thời gian dài mà không bị mỏi rất hiệu quả.
2. Dạy trẻ cách tự nổi trên mặt nước:
Trong quá trình học bơi ếch, kỹ thuật này giúp trẻ có thể tự nổi trên mặt nước, giúp trẻ tự tin và bình tĩnh hơn trong mọi trường hợp. Và nếu trẻ gặp nạn cũng có thể giữ cho mình được nổi trên mặt nước trong thời gian dài cho đến khi có người đến cứu, vì vậy điều này rất quan trọng để giúp bé có thể tự bảo vệ mình ngay cả khi chưa biết bơi. Và đó cũng là bước đệm đầu tiên để thực hiện các kỹ thuật tiếp theo cho việc học bơi.
Để thực hiện, bạn dùng tay đỡ trẻ nổi trên mặt nước cho trẻ tập làm quen và hướng dẫn trẻ làm theo các bước sau:
- Mắt nhắm, miệng ngậm lại, nín thở rồi lặn vào nước để tránh bị sặc nước.
- Bình tĩnh thả lỏng người để nước đẩy lên, phía đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
- Đạp mạnh chân xuống nước để tạo lực đẩy giúp nhô đầu khỏi mặt nước, khi ở trên mặt nước há to miệng để hít không khí vào và khi xuống dưới mặt nước thì miệng từ từ thở ra.
Thực hiện nhịp nhàng các động tác này sẽ giúp cho trẻ biết cách hít thở trong nước đồng thời giữ được tư thế nổi mà không bị chìm.
Dạy cho trẻ cách bơi ếch đúng kỹ thuật
Bước 1: Tập các động tác bơi chân trên cạn:
Cho các bé ngồi hơi ngửa người ra sau, tay chống ra phía sau, chân duỗi thẳng tự nhiên. Sau đó co chân lên từ từ, đùi và gối hơi mở rộng ra 2 bên, bàn chân duỗi thẳng.
Mũi bàn chân cần co lên và bẻ ra 2 bên sao cho lòng bàn chân hướng ra ngoài. Sau đó đạp mạnh chân ra 2 bên, khép mạnh nhanh hai bàn chân sát vào nhau và giữ cho bàn chân duỗi thẳng.
Bước 2: Tập bơi chân dưới nước:
Chọn nơi có mực nước phù hợp với độ cao của bé (độ cao mặt nước so với đáy có thể cao ngang vai bé). Cho các bé nằm úp xuống nước, 2 tay nắm chắc vào thành bể bơi, cơ thể thả lỏng và người duỗi thẳng.
Tiếp theo, bạn nắm 2 bàn chân rồi hướng dẫn cho bé thực hiện các động tác bơi chân như đã tập bơi trên cạn. Khi trẻ bắt đầu quen dần với các động tác này thì bạn có thể để trẻ tự tập bơi ếch cho đến khi thuần thục ở bể bơi có mực nước nông phù hợp với chiều cao an toàn của bé.
Bước 3: Tập các động tác bơi tay trên cạn:
Bạn cho các bé đứng khom người về phía trước, hai chân dang rộng bằng vai, hai tay duỗi thẳng phía trước, lòng bàn tay hướng xuống đất, đầu hơi cúi xuống, mắt nhìn thẳng phía trước.
Tiếp theo, thực hiện động tác quạt mạnh hai tay ra hai bên và xuống dưới, đầu ngước lên và há miệng ra thở. Lưu ý: Khi hai tay kéo tới ngang vai thì lập tức khép nhanh, thu khuỷu tay gần sát vào nhau và duỗi thẳng về phía trước để kết thúc quạt tay lần 1.
Cứ như thế lặp lại các động tác trên cho quen dần để chuẩn bị cho việc thực hành bơi dưới nước.
Bước 4: Tập bơi tay dưới nước:
Hướng dẫn trẻ đứng khom người, thực hiện các động tác quạt tay ếch như đã làm trên cạn. Tiếp theo duỗi thẳng tay về phía trước, đầu chìm dưới nước và thổi bong bóng.
Kéo tay bơi ếch để trườn tới, sau đó ngóc đầu lên hít khí bằng miệng và mũi. Lặp lại các động tác này cho đến khi nhuần nhuyễn.
Bước 5: Tập cách phối hợp tay, chân dưới nước:
Sau khi bé thực hiện nhuần nhuyễn các động tác tay, chân thì hướng dẫn cách phối hợp các động tác giữa tay và chân cho bé bơi dưới nước, bạn cần hướng dẫn bé như sau:
- Đạp mạnh vào thành bể để lướt nước.
- Tiếp theo, thực hiện động tác quạt tay, khi bắt đầu quạt nước thì cần bắt đầu co chân.
- Tiếp theo, sau khi kết thúc động tác tay thì bắt đầu động tác đạp chân.
- Nhô đầu lên, lấy hơi bằng miệng sau đó hụp xuống nước và thở ra bằng mũi. Cứ 2 nhịp đạp chân, 1 nhịp quạt tay thì bắt đầu một nhịp thở.
- Khi thở xong, mặt hướng vào nước đồng thời tay duỗi thẳng thả lỏng và bắt đầu đạp chân.
- Cuối cùng, khi kết thúc quá trình đạp chân, giữ cánh tay trong tư thế duỗi thẳng.
Đó là các bước học bơi cơ bản nhất để bé có thể tập làm quen với việc bơi lội trong nước, việc thường xuyên tập bơi cũng là cách giúp bé có lối sống lành mạnh, khỏe khoắn hơn. Tuy nhiên, mỗi trẻ em đều có những đặc điểm và cách tiếp nhận khác nhau nên ba mẹ hướng dẫn trẻ theo cách phù hợp nhất.