Trong quá trình phát triển, các con sẽ trải qua một loạt thay đổi về tâm lý, thể chất. Nhiều bậc phụ huynh sẽ thấy con khát khao được độc lập và muốn thể hiện quyền lực của mình bằng những cơn ăn vạ không có hồi kết. Tâm trạng, các hành vi mang hơi hướng bạo lực như đấm đá, quấy khóc, la hét, ăn vạ... là những chuyện thường ngày của bé trong lứa tuổi này. Vậy nên làm thế nào để xử lý tình trạng này một cách hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé:
Giữ thái độ cương quyết và kỷ luật
Hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy con. Nếu phụ huynh cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc hoặc bối rối không biết xử trí, hãy thư giãn một chút trước khi quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ. Cha mẹ không nên bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc của con mà nên có sự kiên quyết, không vì trẻ quấy khóc mà đáp ứng ngay các yêu cầu. Sự kỷ luật này không phải chỉ ứng dụng một lần mà là cả một quá trình cha mẹ phải đặt ra cho chính bản thân mình. Không được vì quá thương con mà để con hình thành hành vi xấu, khi đó thói ăn vạ ở trẻ sẽ càng khó chữa. Việc ăn vạ không chỉ đơn thuần khiến cha mẹ mệt mỏi vì phải đáp ứng các nhu cầu con mà còn khiến con trẻ khi lớn lên không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào phụ huynh. Từ đó khiến các con rất khó để trưởng thành và tự lập
Tỏ ra không quan tâm
Phần lớn, lỗi của cha mẹ chính là việc thể hiện sự quan tâm, chiều chuộng khi con có hành động xấu. Khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ thường cố gắng dỗ dành, giải thích, răn đe ngay lập tức. Mọi phản ứng lúc đó đều khiến trẻ nhận ra chúng đang “được quan tâm” và càng tiếp tục. Thậm chí nhiều khi hành động chiều chuộng này không xuất phát từ bố mẹ mà có thể là ông bà, cô chú,.... khiến trẻ càng khó để rèn luyện và từ bỏ thói xấu.
Vì vậy, hãy thử tỏ thái độ phớt lờ hành động của bé, để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng, không làm gì hết. Nhưng cha mẹ cũng hãy ở gần bé, quan sát bé và đảm bảo rằng con vẫn được an toàn. Khi đó, con sẽ không thể khóc được mãi, trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh và chờ để được bố dỗ dành. Nếu trẻ thấy cha mẹ không quan tâm trẻ sẽ dần nín khóc, khi đó cha mẹ hãy tranh thủ tìm một trò chơi nào đó để trẻ quên đi hành động ăn vạ của mình.
Nên có hình phạt nhỏ
Phớt lờ lúc bé ăn vạ không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé bình tĩnh, các mẹ nên chia sẻ sự thấu hiểu với cảm giác của bé, và giúp con diễn đạt những cảm xúc khó chịu thành lời. Tuy nhiên đi kèm với đó ba mẹ cũng phải có những hình phạt nhỏ để trẻ có thể rút kinh nghiệm và tránh lặp lại hành vi của mình. Hình phạt hay được áp dụng nhất là cho bé đứng úp mặt vào tường đối với trẻ lớn trong vòng 1-5 phút. Như vậy cũng giúp bé bình tĩnh nhìn nhận lại lỗi sai và biết cách ứng xử phù hợp hơn cho lần sau.
Nên để trẻ tự giác trong các hoạt động sinh hoạt cơ bản
Thực chất hành vi ăn vạ của trẻ phát sinh từ những hành động quá nuông chiều con cái của cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, quan tâm con thái quá trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày khiến trẻ dần phụ thuộc quá mức. Vì thế, khi đòi hỏi mà không được đáp ứng, bé sẽ phản ứng gay gắt và cư xử khó chịu hơn.Chính vì vậy, hãy thay đổi hành vi của trẻ từ những điều nhỏ nhất, để con tự lập, không phụ thuộc vào bố mẹ trong các hoạt động sinh hoạt cơ bản thường ngày. Thay vào đó, phụ huynh hãy quan sát trẻ, dạy dỗ trẻ thông qua theo dõi hành vi của con để sửa một cách từ từ và hiệu quả.
Không để người khác xen vào quá trình dạy dỗ trẻ
Cho dù cha mẹ có cương quyết với con đến mấy mà có những người xung quanh như ông bà, cô chú,.. vào dỗ dành vì thương trẻ thì mọi kỷ luật sẽ trở thành vô nghĩa. Để tránh điều này, cần phải tạo một không gian riêng trong việc nuôi dạy con hoặc thống nhất quan điểm nuôi dạy con với các thành viên trong nhà. khi bé ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực bé sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.